Chiều ngày 22/10, sinh viên Trường Cao đẳng Công thương TPHCM (HITC) đã tham gia vòng thi Bán kết Startup Kite Quốc gia năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.

Nhóm tác giả dự án OCM – Thiết bị xử lý rác hữu cơ trình bày dự án trực tiếp tại Vòng bán kết cuộc thi tại trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM

Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp – Startup Kite 2022 được phát động từ tháng 5/2022 đến tháng 8/2022. Vòng sơ tuyển tổ chức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 1512 ý tưởng, dự án của các em học sinh sinh viên. Qua đó lựa chọn được 206 dự án thuộc 57 cơ sở GDNN tại 30, tỉnh thành phố tham dự vòng bán kết Cuộc thi. Năm nay, tiêu chí chấm điểm của cuộc thi khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh – sinh viên giáo dục nghề nghiệp yêu cầu tính sáng tạo, mới mẻ; tính khả thi, cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ – kỹ thuật; tính hiệu quả kinh tế – xã hội. Ban giám khảo cuộc thi là các chuyên gia, doanh nhân thành đạt, uy tín với kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp phong phú, dày dặn. Ban giám khảo không chỉ chấm điểm mà còn đồng hành với các nhóm tác giả trong suốt quá trình dự thi, đặc biệt, có thể lựa chọn những dự án xuất sắc để đầu tư

Nhóm tác giả thuyết trình về dự án Tủ sấy quần áo Cooldry theo hình thức trực tuyến

       Sinh viên HITC tham gia dự thi với 06 dự án gồm: Máy đo huyết áp – GAC; OCM – Thiết bị xử lý rác hữu cơ; Tủ sấy quần áo Cooldry; Robot Keva; Chả giò chay; Khử mùi tanh hải sản từ tinh dầu thiên nhiên. Tại Vòng bán kết các đội dự thi trình bày 2 nội dung: thuyết trình và phản biện để chọn ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào Vòng Chung kết. Các nhóm dự thi của HITC đã tự tin trình bày ý tưởng, dự án của mình trước ban giám khảo, đồng thời trực tiếp trả lời các câu hỏi do ban giám khảo đặt ra một cách mạch lạc, thuyết phục. Kết quả chung cuộc, có 04/06 đội tham gia lọt vào Vòng Chung kết Startup Kite toàn quốc năm 2022 là các dự án: Máy đo huyết áp – GAC; OCM – Thiết bị xử lý rác hữu cơ; Tủ sấy quần áo Cooldry; Robot Keva. Đây chắc chắn sẽ là một động lực rất lớn để thầy và trò trường Cao đẳng Công thương TPHCM tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, giúp phong trào khởi nghiệp tại nhà trường ngày càng phát triển.

Dự án Robot Keva

        Cuộc thi năm nay có nhiều dự án được đánh giá rất cao về tính khả thi, hiệu quả. Nhiều sản phẩm, dự án được đánh giá có thể thương mại hóa, tính cạnh tranh rất cao so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Khi sản phẩm hoàn thiện, sinh viên hoàn toàn có thể đưa ra thị trường, áp dụng để kinh doanh. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Nhóm tác giả thuyết trình dự án Máy đo huyết áp – GAC theo hình thức trực tuyến

        Cùng theo dõi, ủng hộ và chúc cho các dự án khởi nghiệp của Trường Cao đẳng Công thương TPHCM sẽ đạt giải cao tại Vòng Chung kết Startup Kite toàn quốc năm 2022 sẽ diễn ra trong tháng 11 này nhé./.

Tin bài, hình ảnh: T.T